Hồng sâm là tên gọi của nhân sâm sau khi chế biến, nhằm tăng cường hoạt chất của nhân sâm và bảo quản sử dụng lâu dài.
Cách chế biến Hồng sâm: Thu hoạch nhân sâm tươi từ 6 năm tuổi trở lên, rửa sạch và hấp chín bằng hơi nước trong khoảng 50 - 90 phút (tùy theo kích cỡ của củ sâm) cho đến khi chuyển sang màu đỏ. Quá trình hấp đạt chuẩn khi lượng nước trong nhân sâm còn 14%, sau đó phơi khô vừa đủ trong phòng sấy rồi tiếp tục phơi nắng 4 - 5 ngày.
Tùy thuộc vào công nghệ và hiệu quả chế biến có thể chia thành 4 loại theo chất lượng từ thấp đến cao: Nhân sâm tươi, Bạch sâm, Hồng sâm và Hắc sâm. Bạch sâm là củ không đạt chuẩn trong chế biến Hồng sâm, đem đi ướp đường và phơi khô. Hắc sâm đòi hỏi quy trình chế biến kỹ càng hơn, hấp sấy đủ 9 lần đến khi chuyển màu đen.
Hồng sâm đúng chuẩn sẽ có phần da bên ngoài và ruột bên trong màu đỏ hoặc hơi vàng, nâu sẫm, khi sờ vào cảm giác mềm dẻo. Quá trình chế biến nhân sâm tạo thành Hồng sâm giúp tăng cường các hoạt chất chống oxy hóa saponin (cao cấp 8 lần) và nhóm chất ginsenoside. Thành phần hóa học của nó chứa hơn 30 loại saponin, hơn 20 nguyên tố vi lượng, 17 acid amin và các acid béo có lợi cho cơ thể.
Ưu điểm của việc chế biến nhân sâm là làm tăng thành phần dược tính của sản phẩm; lành tính và phù hợp hơn với nhiều đối tượng sử dụng; bảo quản được lâu hơn.
Cùng với Lộc dung, Nhục quế và Phụ tử, Nhân sâm được coi là một trong 4 vị thuốc quý của Y học cổ truyền. Tác dụng của Hồng sâm bao gồm:
- Chống oxy hóa tế bào tốt hơn nhiều lần so với Nhân sâm thông thường.
- Tăng cường lưu thông tuần hoàn máu, chống ức tập tiểu cầu, cải thiện sức khỏe tim mạch.
- Cải thiện trí nhớ.
- Tăng cường chức năng miễn dịch của cơ thể, hỗ trợ các triệu chứng mệt mỏi, suy nhược cơ thể. Thành phần Saponin có trong Hồng sâm có tác dụng ức chế sự phát triển của tế bào ung thư.
- Cải thiện chức năng tình dục ở phụ nữ mãn kinh, tăng cường sinh lý ở nam giới và hỗ trợ điều trị các chứng rối loạn cương dương.
Hồng sâm được chỉ định sử dụng trong các trường hợp:
- Người suy nhược cơ thể, mới ốm dậy, hay mắc các bệnh lý làm suy giảm sức đề kháng cơ thể.
- Người cao tuổi, người trung niên muốn tăng cường trí nhớ hay hỗ trợ điều trị các bệnh lý mạn tính như tiểu đường, rối loạn lipid máu, bệnh tim mạch,...
- Hỗ trợ điều trị ở bệnh nhân ung thư.
- Chống oxy hóa da, làm đẹp da ở phụ nữ.
- Cải thiện ham muốn tình dục, tăng cường sinh lý ở cả nam và nữ.
Cách dùng:
- Hồng sâm có thể được chế biến thành nhiều dạng để tiện cho quá trình sử dụng và sở thích của từng người.
- Đối với dạng củ: có thể thái lát ngâm mật ong; thái lát pha trà; ngậm trực tiếp; hay sử dụng nấu các món ăn hàng ngày như gà hầm sâm, cháo,...
- Đối với dạng bột: có thể hòa với nước uống trực tiếp như trà; trộn với mật ong vo thành viên hoàn; trộn các dược liệu như kỷ tử, lộc nhung,...
- Đối với dạng nước: sử dụng uống trực tiếp các túi đã chế biến theo định lượng.
- Đối với dạng cao: lấy lượng cao vừa đủ hòa với nước ấm và sử dụng.
Một số lưu ý khi dùng Hồng sâm:
- Không được sử dụng Hồng sâm cho phụ nữ có thai, trẻ em dưới 1 tuổi, người đang bị các bệnh lý gan mật, bệnh lý đường tiêu hóa như: đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa, viêm loét dạ dày cấp hay xuất huyết dạ dày.
- Thận trọng khi dùng cho bệnh nhân có tiền sử tai biến mạch máu não do xuất huyết não, vì Hồng sâm có thể khiến tình trạng xuất huyết trở nên nặng nề.
- Tuy Hồng sâm có nhiều tác dụng tốt đối với cơ thể, nhưng không thể lạm dụng sử dụng quá nhiều. Liều an toàn theo một số nghiên cứu là 2g mỗi ngày, không dùng liên tục kéo dài quá 24 tuần. Liều dùng này cũng chỉ mang tính chất tham khảo, tùy thuộc vào các thương hiệu và dạng bào chế mà có liều lượng sử dụng khác nhau.
- Không sử dụng Hồng sâm như thuốc điều trị chính các bệnh lý tự miễn, ung thư hay các bệnh chuyển hóa khác. Dùng thuốc với mục đích điều trị phải có sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
- Bệnh nhân sốt, cảm lạnh không nên ngừng dùng thuốc trong thời gian bệnh, do Hồng sâm có tác dụng bổ khí, làm cho ngoại cảm lưu lại lâu hơn trong cơ thể, không phát ra ngoài được dẫn đến kéo dài tình trạng bệnh.
- Ở những bệnh nhân cao huyết áp, sử dụng Hồng sâm có thể gây nặng nề hơn tình trạng bệnh.
- Dùng đồng thời với các loại thực phẩm chứa cafein có thể làm tăng tính hưng phấn của cafein cho cơ thể.
Bài thuốc trị huyết áp thấp:
- Hồng sâm 3g, kỷ tử 20g, 2 đùi gà tươi, hành tươi, rau sống, đường trắng, 150ml rượu, bột mì vừa đủ ăn.
- Cách thực hiện: Hồng sâm thái miếng mỏng, ngâm rượu trong vòng 3 ngày; Gà rán vàng, phi thơm hành và gừng sau đó cho vào hầm cùng kỷ tử và sâm đã ngâm rượu cho đến khi chín mềm. Thêm bột mì để món ăn được sánh hơn, ăn khi còn nóng mỗi ngày 1 chén.
Bài thuốc giảm mệt mỏi:
- Hồng sâm 3g, hoàng kỳ 9g, đương quy 9g, trần bì 3g, bạch linh 9g, chích thảo 3g.
- Cách thực hiện: Rửa sạch nguyên liệu và sắc với lượng nước vừa đủ ngập thuốc, sắc cạn còn 2⁄3 rồi chia làm 3 lần uống trong ngày.
Bài thuốc cải thiện trí nhớ:
- Đương quy 9g, hồng sâm 6g, thục địa 9g, bạch truật 6g, chích thảo 6g, táo đỏ 2 quả, 3 lát gừng mỏng.
- Cách thực hiện: Sao khô nguyên liệu sau đó tán thành bột mịn, hòa tan các nguyên liệu uống với nước ngày 1 lần.
- Hòa tan với nước ấm và uống hết trong ngày
Bài thuốc cải thiện chức năng sinh lý
- Hồng sâm 3g, mật ong 15g
- Cách thực hiện: Thái mỏng Hồng sâm rồi đun với nước cho cạn bớt, sau đó lọc lấy nước hòa với mật ong vừa đủ sử dụng trong ngày. Bã thuốc có thể nhai nuốt.
Một số tác dụng không mong muốn có thể gặp khi sử dụng Hồng sâm:
- Tác dụng phụ của Hồng sâm thường gặp nhất là khó ngủ, do đó không nên sử dụng trước khi đi ngủ hoặc ở những bệnh nhân mất ngủ nặng.
- Các tác dụng phụ ít gặp hơn như: dị ứng, tiêu chảy, sốt, tăng nhịp tim, tăng huyết áp, rối loạn kinh nguyệt,...
Tóm lại, Hồng sâm là một loại dược liệu quý có nhiều công dụng tốt cho cơ thể. Tuy nhiên không nên dùng quá nhiều và liên tục để xảy ra các phản ứng không mong muốn và không sử dụng Hồng sâm là thuốc điều trị chính nếu không có chỉ định của bác sĩ.